Nếu cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng, sản phụ nên dùng thuốc giảm đau vì thuốc không ảnh hưởng tới chất lượng sữa. Ngày đầu sau sinh, sản phụ nên ăn loãng, sau đó mới có thể ăn đặc.
Trong buổi sinh hoạt mới đây của CLB Mẹ và Bé (Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TPHCM), tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa hậu sản Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sinh mổ không phải lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ, và chỉ được chỉ định khi mẹ hoặc thai nhi có nguy cơ về sức khỏe. Việc hồi phục sau sinh mổ lâu và khó khăn hơn so với sinh thường, sản phụ mất máu nhiều hơn, chi phí cao hơn và nguy cơ bị nhiễm trùng hậu sản cũng cao hơn… Vì vậy, bác sĩ lưu ý, các bà mẹ sinh mổ cần phải cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt hay chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực, nhất là khi vừa đau với vết mổ vừa phải chăm sóc con cái.
1. Chăm sóc vết mổ
Trong tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ, cho các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng, nhiễm trùng. Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những thuốc này không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa, vì vậy các bà mẹ đừng ngại yêu cầu bác sĩ cung cấp thuốc nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Các vết mổ đang trong quá trình lành gây đau đớn, kết hợp với tử cung đang co thắt để trở về trạng thái ban đầu có thể gây ra cảm giác choáng váng và kiệt sức.
Sang tuần thứ hai, nếu khâu bằng chỉ không tiêu thì sẽ bác sĩ xem xét vết mổ, nếu khô sạch thì cắt chỉ. Thông thường, bác sĩ sẽ cắt chỉ sau 5 ngày nếu mẹ mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày nếu mổ lần hai trở lên. Nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ. Thời gian này, mẹ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng. Không nên thoa các loại thuốc kháng sinh, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.
Bác sĩ Thu Hà cũng lưu ý, có những người cơ địa lồi, thậm chí 4 tháng sau khi cắt chỉ, mới nhú sẹo lồi. Sẹo lồi là vết mổ sau khi liền sẽ lồi hẳn ra khỏi mặt da, có màu sậm hoặc hơi tím, khi đụng vào có thể đau hoặc ngứa và tồn tại mãi với thời gian. Các mẹ có thể dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi cắt chỉ được một tuần trở đi. Nếu thoa thuốc sớm có thể gây nhiễm trùng.
2. Dinh dưỡng, chế độ ăn
Sản phụ không được phép ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ vì lúc này, dưới tác động của thuốc dùng trong ca phẫu thuật, nhu động ruột của bạn đang ở mức rất thấp, đường ruột ứ ra nhiều khí, dạ dày hoạt động yếu. Thức ăn đưa vào sẽ rất khó tiêu hóa, gây đầy hơi, táo bón, khiến cơ thể càng mệt mỏi, lâu hồi phục.
Trong ngày đầu vừa sinh, các bà mẹ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi xì hơi (trung tiện) mới bắt đầu ăn đặc, và nên ăn những đồ mềm, lỏng.
Sau đó, các bà mẹ ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, đồng thời uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Tình trạng táo bón đầy hơi vẫn tồn tại sau mổ 3-5 ngày do ảnh hưởng của thuốc tê. Lưu ý không dùng các loại thực phẩm dễ gây tiêu chảy hoặc dị ứng, gây sẹo lồi (thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống...) Nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín.
Đặc biệt, trong quá trình liền vết mổ thì các vitamin A, B, C (cam, quýt, bưởi cà rốt) có vai trò kiểm soát viêm nhiễm; Vitamin K và các yếu tố vi lượng như canxi, kẽm, sắt, đồng (có trong trứng sữa) có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ; Protein là nguyên liệu chính tạo ra tế bào mới hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ. Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể khoảng 200 g thức ăn có chứa protein như thịt, cá, sữa, đậu…
3. Vận động nghỉ ngơi
Sau sinh, việc di chuyển khiến các mẹ đau đớn nhưng đừng vì vậy mà nằm nhiều trên giường. Ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ đã có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại. Trước đó, các mẹ vẫn có thể cử động tay chân nhẹ nhàng hoặc ngồi dậy.
Lười vận động sau khi sinh mổ làm cho nhu động ruột chậm hồi phục, từ đó dẫn đến chứng táo bón rất khó chịu ở chị em sản phụ. Đồng thời đây cũng là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng làm hình thành các cục máu đông ở chân, tay và gây viêm phổi sau phẫu thuật (do nằm một chỗ, phổi bị ứ đọng). Việc vận động đi bộ ngắn giúp các chức năng bình thường của cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc biến chứng sau phẫu thuật như dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch…
Tuy nhiên, đối với những chị em đã trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định sinh mổ hoặc cuộc mổ khó khăn mất nhiều máu thì cần phải nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi di chuyển, nếu không dễ gặp nguy hiểm do té, ngã, ngất.
Còn các mẹ siêng vận động cũng nên nhớ rằng, dù tập thể dục rất tốt và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau sinh, nhưng nếu sinh mổ thì vẫn cần từ 4-6 tuần sau sinh mới được tập luyện trở lại.
4. Cho con bú
Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú ngay càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Quan niệm không dám cho con bú ngay sau sinh mổ vì sợ có hại cho bé, sữa không kịp về hay sữa còn chứa thuốc gây tê ảnh hưởng đến trẻ khá phổ biến ở chị em sản phụ. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể cho con bú ngay sau một giờ đầu sau sinh mổ bằng hình thức gây tê. Với những sản phụ sinh mổ bằng hình thức gây mê toàn thân, thời điểm thông thường có thể cho bé bú sau khoảng 4-6 tiếng đồng hồ, khi thuốc gây mê bớt tác dụng. Cho bé bú sớm không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử, tăng sức đề kháng cho bé mà còn giúp tử cung của mẹ mau phục hồi, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Để tránh ảnh hưởng của vết mổ, các mẹ nên nhờ người thân trợ giúp để đỡ bé ở tư thế thoải mái nhất cho cả hai mẹ con.
5. Vệ sinh
Ngay sau khi sinh, mẹ đã có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Mẹ nên chọn bàn chải mềm, tránh chảy máu răng.
Để tránh hiện tượng bí tiểu sau sinh, chị em nên tập đi tiểu từ 2 đến 3 giờ sau khi rút ống thông tiểu. Nếu nửa ngày đầu còn yếu, chị em có thể dùng bô ngay tại chỗ, sang ngày thứ hai có thể vào nhà vệ sinh.
Nên lau rửa thân thể bằng nước ấm và lau khô người. Sang tuần thứ hai thì có thể tắm rửa bình thường, tránh làm ướt vết mổ, không chà mạnh lên vết mổ.
6. Những dấu hiệu cần lưu ý trong thời gian hậu phẫu
Sốt là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể sốt do mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm điều hòa, nhưng nên có những phút tắt điều hòa mở cửa cho phòng thông thoáng.
Sản dịch: Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Tweet
Sản dịch: Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.